Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, ước tính đến hết tháng 6, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,1 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng khai thác đạt gần 2 triệu tấn, tăng 1%, sản lượng nuôi trồng đạt 2,1 triệu tấn, tăng 4%; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4,1 tỉ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ và đạt 47,1% kế hoạch nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các thị trường tiềm năng khác.
Tính riêng về tôm nước lợ, 6 tháng đầu năm, ước sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, sản lượng tôm sú đạt gần 113 nghìn tấn, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt gần 258 nghìn tấn. Về cá tra, ước đến hết tháng 6/2021, sản lượng thu hoạch đạt 704,1 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 637,9 triệu USD, tăng 14,7% so cùng kỳ.
So với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra, tổng sản lượng thủy sản đạt 104,3%, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 102,3%, sản lượng khai thác đạt 106,8%; còn so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm, tổng snar lượng thủy sản đạt 47,6%; trong đó, sản lượng khai thác đạt 51,9%, sản lượng nuôi trồng đạt 44,2%.
Đây là kết quả rất đáng khích lệ của toàn ngành, bởi 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm thủy sản do nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại các thị trong nước và quốc tế giảm mạnh.
Cùng đó, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thúy sản khai thác của Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả tốt nửa đầu năm, 6 tháng cuối năm, ngành Thủy sản quyết tâm phấn đấu thức hiện mục tiêu kép Chính phủ, Thủ tướng Chính phỉ đạo và chỉ tiêu Kế hoạch cá năm được Bộ trưởng giao. Cụ thể, tổng sản lượng đạt 8,6 triệu tấn, bao gồm: Sản lượng khai thác 3,85 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 4,75 triệu tấn (trong đó: cá tra đạt 1,55 triệu tấn; tôm nước lợ 943 nghìn tấn); kim ngạch xuất khẩu 8,5 tỷ USD.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu cả năm, Tổng cục Thủy sản xác định sẽ tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng và kiểm tra tính xác thực của chứng thư các lô hàng xuất khẩu biên mậu, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản; tiếp tục đàm phán để khôi phục lại thị trường Saudi Arabia.
Bên cạnh đó, ngành thuỷ sản tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, hiện nay doanh nghiệp thủy sản đang căng mình phòng chống dịch COVID-19, có doanh nghiệp tính tới phương án công nhân có thể ăn ở ngay trong phạm vi nhà máy. Vấn đề được ông Nam đặc biệt lưu tâm thời gian tới là câu chuyện cấp mã số nuôi trồng thủy sản cho mặt hàng chủ lực là tôm.
“Mặt hàng cá tra đã làm rất tốt việc cấp mã số nuôi trồng, song mặt hàng tôm thì còn nhiều vấn đề. Hiện nay, Mỹ và nhiều thị trường khác rất quan tâm vấn đề này. Mã số nuôi trồng thủy sản mặt hàng tôm hiện chủ yếu được phân về cho địa phương, tôi cho rằng Tổng cục vẫn phải đóng vai trò “nhạc trưởng””, ông Nam nói.
Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh: “Về đánh mã số nuôi trồng thủy sản đối với mặt hàng chủ lực là tôm, trước mắt tất cả những nơi nào có thể đáp ứng được, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đều đã có văn bản chỉ đạo địa phương, đôn đốc liên tục suốt thời gian qua và sẽ tiếp tục đẩy mạnh thời gian tới”.
Để tiếp tục triển khai khắc phục "thẻ vàng IUU", một số ý kiến cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân các quy định mới liên quan đến hoạt động khai thác hải sản trên biển, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện. Theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết, nhất là trong những tháng nhiều mưa bão để chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền khai thác phù hợp nghề và nguồn lợi thủy sản. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ghi nhận những kết quả nổi bật của ngành thủy sản đạt được trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý đến một số vấn đề mà ngành thủy sản cần tập trung thực hiện trong sáu tháng cuối năm để đạt được các mục tiêu chung đã đề ra. Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, thủy sản là một lĩnh vực quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Thủy sản phải giữ vững sự phát triển trên cả ba trụ cột: khai thác, bảo tồn và nuôi trồng.
Về khai thác thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành đã có một thời gian dài sản xuất theo phong trào. Việc tái cơ cấu đội tàu, giảm đội tàu khai thác, nhất là tàu gần bờ đã có những kết quả ban đầu nhưng việc giảm sản lượng khai thác cần có kế hoạch cụ thể. Để giảm việc này thì cần tăng cường bảo tồn. Việc bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cần tập trung vào nâng cao chất lượng. Tổng cục tập trung vào các điểm làm tốt để tổng kết, nhân rộng.
Về nuôi trồng, với hai đối tượng chủ lực là tôm và cá tra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, cá tra đã có sự kiểm soát, cấp mã số vùng trồng tốt nhưng ngành vẫn phải kết nối các hệ thống nuôi xuyên suốt thành chuỗi ngành hàng hoàn chỉnh để nâng cao sự cạnh tranh của sản phẩm. Với tôm, dư địa để tăng diện tích không còn, chỉ còn tăng năng suất. Tuy nhiên, khâu kiểm soát giống còn nhiều bất cập cần có sự kiểm soát, thanh kiểm tra chặt chẽ. Bởi, chất lượng con giống đặt biệt quan trọng về chất lượng, năng suất và phòng bệnh.
Với việc cấp mã số vùng nuôi tôm, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn bởi Luật Đất đai. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ thời gian tới cho phép sửa đổi luật này đồng thời sẽ chủ động cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn, để sản phẩm sớm có thể truy xuất nguồn gốc, bảo đảm yêu cầu cho xuất khẩu.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Thành quả của ngành thủy sản 6 tháng đầu năm qua rất đáng trân trọng. Thành quả này có được nhờ 4 nhân tố quan trọng. Thứ nhất là sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng, của Bộ và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Thứ hai, mặc dù thời tiết khí hậu cực đoan, thế nhưng cơ bản lại thuận lợi cho nông nghiệp nói chung, trong đó có thủy sản. Thứ nữa, là sự cố gắng của toàn ngành nông nghiệp, từ Trung ương đến địa phương. Và hơn hết, là sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh.
Cùng với ngành chăn nuôi, thủy sản đóng góp quan trọng trong phát triển của toàn ngành nông nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng để ngành thủy sản đạt được các chỉ tiêu mà Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã đặt ra.