Đất nước ta “rừng vàng, biển bạc”, với bờ biển dài 3200km, vùng đặc quyền kinh tế rộng khoảng 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông, có 3000 hòn đảo lớn nhỏ.
Cơ hội trong khai thác, chế biến thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU trước cảnh báo thẻ vàng
Ảnh minh họa

Để giữ và phát huy được nguồn tài nguyên bạc của đất nước, Đảng ta đã có nhiều Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vùng biển đảo của tổ quốc như: Nghị quyết 03 - NQ/TW ngày 6/5/1993 của Bộ Chính trị khóa VII về “Một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt”; Chỉ thị 20 – CT/TW ngày 22/9/1997 của Bộ Chính trị khóa VIII về “ Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa”; Đại hội Đảng lần thứ IX năm 2001 khẳng định mục tiêu “Phát huy lợi thế về thủy sản, tạo thành một ngành kinh tế mũi nhọn, vươn lên hàng đầu trong khu vực. Phát triển mạnh nuôi, trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn, nhất là nuôi tôm, theo phương thức tiến bộ, hiệu quả và giữ môi bền trường vững. Tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ; chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, ổn định khai thác gần bờ; nâng cao năng lực bảo quản, chế biến sản phẩm đáp ứng yêu cầu quốc tế và trong nước. Mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ nghề cá. Giữ gìn môi trường biển và sông, nước, bảo đảm cho sự tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản”; Nghị quyết TW 4 – khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 tiếp tục chỉ rõ mục tiêu: “…Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển…”.

Với hàng loạt những chế độ, chính sách - kim chỉ nam xuyên suốt của Đảng và nhà nước nhằm phát huy tiềm năng to lớn của ngành thủy sản nước ta, kết quả đến năm 2017 cho thấy: Sản lượng khai thác thủy sản toàn quốc đạt trên 3,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 8,3 tỷ USD, trong đó hải sản khai thác chiếm khoảng 2,8 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đã góp phần vào quá trình tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, với kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng “biển bạc” của đất nước ta, chưa tương xứng với kỳ vọng của Đảng, của nhà nước và nhân dân.

Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu - EC đã chính thức áp dụng biện pháp cảnh báo “Thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, bởi công tác quản lý nghề cá của nước ta chưa tương đồng với quản lý nghề cá khu vực và thế giới, Việt Nam chưa kiểm soát được IUU – Quy định 1005/2008 về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Illegal Unreported and Unregulated fishing). Nội dung chính của quy định có thể hiểu đơn giản đó là: Các quốc gia xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường EU phải tuân thủ các quy định về khai thác IUU do chính EC đặt ra.

Để khắc phục những khuyến nghị theo cảnh báo “Thẻ vàng” của EC, ngày 13/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 45 về một số nhiệm vụ và giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC. Nội dung Chỉ thị 45 yêu cầu các Bộ, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh , thành phố trực thuộc trung ương ven biển triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ cảnh báo của EC về khai thác IUU.

Chính những thực tế trên đã mở ra những cơ hội toàn diện cho sự phát huy nguồn lực nhằm phát triển ngành thủy sản nước ta.

Thứ nhất: EC áp dụng biện pháp cảnh báo “Thẻ vàng” đã làm chuyển biến nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh, thành phố ven biển trong việc sắp xếp, tổ chức, quản lý lại công tác quy hoạch, phát triển đội ngũ tàu khai thác thủy sản, tái cơ cấu ngành thủy sản theo các quy định quốc tế và các khuyến nghị của EC có tính đến điều kiện thực tế của Việt Nam. Tái cơ cấu ngành thủy sản Việt Nam vừa là yêu cầu, vừa là động lực trong giai đoạn mới nhằm phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững và có trách nhiệm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai: Việc cảnh báo “Thẻ vàng” của EC tạo cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam chuyển từ kinh nghiệm đánh bắt truyền thống sang ứng dụng công nghệ 4.0 trong khai thác đánh bắt hải sản tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; chuyển từ quản lý bị động sang quản lý tích cực, chủ động và có trách nhiệm không chỉ với riêng mình mà còn phải có trách nhiệm với toàn cầu. Trong đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, quản lý dữ liệu lớn Big data, Blockchain…là những yêu cầu khách quan để chủ động lựa chọn ngư trường, chủng loại cá, sử dụng phương tiện đánh bắt phù hợp, thông tin dự báo thời tiết minh bạch, rõ ràng theo hướng tích hợp các thông tin đối với phương tiện đánh bắt thủy sản từ khi tàu đánh bắt xuất bến cho đến cả hải trình đi trên biển rồi cả quá trình khai thác trên biển…

Thứ ba: Với cảnh báo “Thẻ vàng” của EC giúp ngành thủy sản Việt Nam sẽ từng bước phải hoàn thiện cơ chế quản lý nghề cá theo hướng có trách nhiệm, thống nhất chung với khu vực và thế giới về khai thác IUU; hoàn thiện thể chế, quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi; hoàn thiện hệ thống kiểm tra, giám sát tàu cá trên biển và tại cảng cá; thực hiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…

Thứ tư: Là cơ hội để đào tạo và đào tạo lại cho ngư dân không chỉ làm chủ biển cả với tri thức theo truyền thống văn hóa Việt Nam mà còn làm chủ biển cả với nền tảng khoa học kỹ thuật hiện đại của thế giới. Cũng là cơ hội Việt Nam tiếp cận với tri thức của cuộc cách mạng 4.0 trong lĩnh vực ngư nghiệp, sử dụng công nghệ thiết bị tiên tiến nhất, hiện đại và thân thiện với môi trường nhằm kiểm soát các hoạt động của tàu cá để Việt Nam có thể đi tắt đón đầu nhằm phát triển nghề cá hiện đại, đồng thời thực hiện nghiêm, đầy đủ và có trách nhiệm các khuyến cáo của EU về IUU.

Thứ năm: Từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm, phẩm chất, trình độ tay nghề của ngư dân để đủ tri thức làm chủ, tự tin trên biển cả. Thực hiện nghiêm các quy định của Luật thủy sản 2017 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, biết sử dụng trang thiết bị, phương tiện hàng hải hiện đại như radar, máy thông tin liên lạc tầm xa, máy định vị, hải đồ, thiết bị giám sát hành trình tàu cá… trở thành người ngư dân của kỷ nguyên, thời đại công nghệ 4.0, người ngư dân có tác phong công nghiệp, có tri thức và có trách nhiệm với cộng đồng toàn cầu

Trên đây là những cơ hội để chúng ta có thể xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam ngày càng vững chắc, có chất lượng, có uy tín trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam là nước có trách nhiệm cao, sẵn sàng  tham gia, phối hợp giải quyết các vấn đề toàn cầu. Việt Nam cần nắm bắt và nhất định biến những cơ hội này thành hiện thực trong những năm tới của đầu thế kỉ 21.