Khoa Thủy sản ba năm trên đà phát triển
Khoa Thủy sản được thành lập theo quyết định số 449/QĐ-HVN-TCCB ngày 05 tháng 03 năm 2015 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Khoa Thủy sản được tách ra từ Khoa Chăn nuôi và nuôi trông thủy sản năm 2015. Qua quá trình lịch sử hình thành và phát triển của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (tiền thân là Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội) trong 60 năm qua, Khoa Thủy sản đang lớn mạnh hơn cùng sự lớn mạnh của Học viện. Từ khi được thành lập đến nay, đội ngũ giảng viên và cán bộ của Khoa Thủy sản không ngừng phát triển cả về số và chất lượng.
Tiếp nối truyền thống của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các giảng viên và cán bộ của Khoa Thủy sản luôn trung thành với với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sự nghiệp trồng người. Giảng viên và cán bộ của Khoa vừa thực hiện tốt nhiệm vụ công tác vừa không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên và cán bộ của Khoa hầu hết là cán bộ trẻ rất yêu ngành, yêu nghề, yêu sinh viên, nhiệt tình với công việc, luôn không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học để phục vụ sự nghiệp trồng người ngày càng tốt hơn.
Hiện nay, Khoa Thủy sản được tổ chức gồm có ba (03) bộ môn, Bộ môn Nuôi trồng thủy sản, Bộ môn Dinh dưỡng thức ăn, Bộ môn Môi trường và Bệnh học Thủy sản và Văn phòng Khoa. Khoa cũng đang thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng chương trình đào tạo ngành Khai thác Thủy sản. Với đội ngũ cán bộ gồm 17 cán bộ cơ hữu trong đó 05 Phó Giáo sư, 03 tiến sỹ, 10 thạc sỹ, 04 cử nhân/kỹ sư và 03 cán bộ hợp đồng, 05 nghiên cứu viên Khoa Thủy sản đang giảng dạy trên 50 môn học. Ngoài ra, Khoa còn có 15 giảng viên thỉnh giảng đến từ các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu khoa học khác nhau như Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, các Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản, Đại học Nha Trang. Tính đến năm học 2017 – 2018, Khoa đã đào tạo nhiều khóa sinh viên ngành Nuôi trồng Thủy sản gần 500 lượt sinh viên, trong đó 03 khóa sinh viên đã ra trường đóng góp vào lực lượng lao động có trình độ của đất nước. Sinh viên ngành Nuôi trồng Thủy được đào tạo có cơ hội làm việc tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu; cơ quan Nhà nước, tổ chức đoàn thể ở trung ương và địa phương; các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam
Với chủ trương: “Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học”, nhận thức rõ được vai trò của nghiên cứu khoa học trong giảng dạy và đào tạo sinh viên. Các cán bộ trong Khoa luôn cố gắng để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của cả Khoa. Nếu như trước đây, nghiên cứu khoa học của Khoa chỉ tập trung vào việc đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện và tham gia cấp Bộ mà Học viện chủ trì thì đến nay Khoa đã và đang tích cực tham gia đấu thầu các đề tài, dự án cấp Bộ, cấp Nhà nước và hợp tác quốc tế góp phần nâng cao tầm cỡ của cán bộ trong nghiên cứu khoa học cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thực tiễn sản xuất. Ngoài ra, Khoa cũng động viên và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội, doanh nghiệp thủy sản hợp tác, liên danh nghiên cứu những công nghệ mới trong lĩnh vực thủy sản để thực hiện những nghiên cứu ứng dụng cho sản xuất và góp phần đào tạo định hướng cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Các hoạt động khoa học của Khoa cũng ngày càng đa dạng và thực chất hơn, từ việc biên soạn giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo; tổ chức hội thảo khoa học, trong đó có hội thảo khoa học cấp quốc gia, cũng như tham gia các sự kiện, hội thảo khoa học trong và ngoài nước; công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.Từ năm học 2015, Khoa được nhận nhiệm vụ đào tạo trình độ cao học, đánh dấu bước phát triển không những của Khoa, mà còn của Học viện. Việc đào tạo học viên cao học góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển của Học viện.Định hướng phát triển của Khoa Thủy sản trong thời gian tới là không ngừng nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học đối với cán bộ của Khoa; nâng cao chất lượng sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội; đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn nhân lực và hỗ trợ tài chính cho công tác giáo dục, nghiên cứu khoa học; tích cực phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất để đào tạo theo chủ đề, đặt hàng của doanh nghiệp nhằm góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thực tiễn sản xuất; và từng bước mở rộng các ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, sản xuất và kinh doanh.