(Thủy sản Việt Nam) - Cá chép giòn được xem là đối tượng nuôi đã mang lại hiệu quả cho người dân vì giá trị thương phẩm cao gấp nhiều lần so với cá chép thông thường. Vậy quy trình kỹ thuật nuôi như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất.
Sử dụng đậu tằm giúp cá chép giòn bóng đẹp hơn Ảnh: Đình Tường
Chuẩn bị ao nuôi
Ao nuôi cá chép giòn thương phẩm có chất đáy không bị chua, mặn; gần nguồn nước sạch, không có các mạch nước ngầm độc hại gây nguy hiểm cho cá. Nên bố trí ao gần chuồng trại hoặc gần nhà để tiện chăm sóc, quản lý; gần đường giao thông để thuận tiện cho việc vận chuyển thức ăn, vận chuyển cá giống và cá thương phẩm khi thu hoạch. Trước khi nuôi cá, phải chuẩn bị ao theo các bước sau:
• Tháo cạn ao, dọn sạch bèo, cỏ, vét bùn (nếu lượng bùn quá nhiều), san phẳng đáy;
• Tẩy vôi khắp đáy ao để diệt cá tạp và mầm bệnh bằng cách rải đều 8 - 10 kg vôi bột cho 100 m2 đáy ao;
• Phơi ao khoảng 3 ngày, sau đó lấy nước vào ao với mức khoảng 1,5 - 1,8 m, nước lấy vào ao phải đảm bảo sạch, không bị nhiễm bẩn và cần được lọc bằng đăng hoặc lưới để phòng cá dữ, cá tạp, khi nước đạt mức 1,8 - 2 m thì tiến hành thả cá.
Đối với nuôi lồng: Nếu lồng cá có diện tích lớn thì phải chọn những nơi có độ sâu 3,5 - 4 m. Lồng được đặt nổi và neo cố định tại một vị trí thuận lợi trên sông, có dòng nước chảy liên tục, mực nước sông tương đối điều hòa và phải cao hơn chiều cao ngập nước của lồng từ 0,3 - 0,5 m.
Chọn cá giống
Lựa chọn cá chép đã nuôi thương phẩm đạt trọng lượng 0,8 - 1 kg/con, khỏe mạnh, vây, vẩy hoàn chỉnh, không xây xát, không mất nhớt, cỡ cá đồng đều; cá bơi lội linh hoạt, nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn; không có dấu hiệu bệnh để tiến hành thả nuôi. Cũng có thể nuôi cá chép từ nhỏ đến khi đạt trọng lượng 0,8 - 1 kg/con thì tiến hành nuôi cá chép giòn.
Thả cá: Cá được thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, trước khi thả, cần ngâm bao cá trong nước ao khoảng mười phút, sau đó mở bao từ từ để cá bơi ra. Mật độ thả trong ao từ 1 - 1,5 con/m2, nếu thả trong giai có thể với mật độ cao 12 - 13 con/m2.
Chăm sóc và quản lý
Để nuôi cá chép giòn, phải thực hiện qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1 sử dụng giống cá chép thường để nuôi lên cá chép thương phẩm (cá đạt 0,8 - 1 kg/con), giai đoạn 2 là nuôi cá chép thương phẩm lên cá chép giòn.
Thức ăn: Đậu tằm là thức ăn chủ yếu trong nuôi cá giòn. Đậu tằm giúp cấu trúc thịt cá trở nên săn chắc hơn, không còn lượng mỡ thừa trong cá, giúp thịt cá ngon và ngọt hơn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đậu tằm là thức ăn nuôi cá chép giòn bổ dưỡng và thuần thiên nhiên; đậu tằm giúp thay đổi cấu trúc thịt cá săn chắc nhưng không làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người ăn. Trong đậu tằm, hàm lượng protein thô chiếm tới 31% và lượng lipid thô (tạo mỡ) chỉ chiếm chưa tới 0,5%, cùng với 8 loại axit amin cần thiết cho cá, còn có 49% hàm lượng tinh bột. Chính vì vậy thịt cá được thay đổi cấu trúc, tăng chất lượng thịt, giúp thịt cá có độ dai hơn và chắc giòn. Theo kinh nghiệm, để vỗ béo cá bằng đậu tằm cần khoảng 1,5 tấn đậu tằm cho 1 tấn cá, cá đạt trọng lượng cỡ 1,2 - 1,5 kg/con.
Trong thời gian đầu, không được cho cá ăn gì khác ngoài đậu tằm và sau khi cho cá ăn đậu khoảng 3 tiếng thì kiểm tra xem cá có ăn hết hay không, hoặc ăn nhiều, ít để có kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn sao cho phù hợp. Trong thời gian đầu mới thả nuôi nên cho cá ăn thức ăn bình thường, sau khoảng 1 tuần thì cho cá ăn đậu tằm. Luyện tập cho cá ăn đậu tằm bằng cách bỏ đói cá 2 - 3 ngày sau đó cho cá ăn một lượng nhỏ đậu tằm đã được ngâm trong thời gian 12 - 24 giờ. Sau khi cá ăn quen thức ăn đậu tằm, cho cá ăn 2 lần/ngày vào lúc 6 - 7 giờ và 16 - 17 giờ. Khẩu phần ăn từ 1,5 - 2% khối lượng cá, thức ăn cho vào sàng ăn đặt dưới đáy ao, lồng nuôi. Sàng làm bằng khung sắt có diện tích 1 m2, chiều cao 25 - 30 cm, được vây 2 lớp, 1 lớp lưới thép, 1 lớp lưới cước để ngăn đậu trôi ra ngoài.
Thu hoạch
Kiểm tra cá trong ao, giai, nếu thịt cá đạt độ giòn nhất định thì tiến hành thu hoạch, thường thời gian nuôi từ 5 - 6 tháng. Cho cá nhịn ăn 1 ngày trước khi thu hoạch.
Khoa Thủy sản sưu tầm