Xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là tôm dự báo nhiều tín hiệu lạc quan. Ảnh: Nhật Hồ
Nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản lạc quan trong quý tới.
Xuất khẩu tôm và cá tra phục hồi
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, diễn tiến xuất khẩu tôm và cá tra trong thời gian tới sẽ phụ thuộc chủ yếu vào biến động thị trường.
Mặt hàng tôm sẽ nhiều tín hiệu tốt hơn vì nhu cầu tôm cho phân khúc bán lẻ tại các thị trường lớn như Mỹ, EU tiếp tục đà tăng. Việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng ở những thị trường này giúp người dân dần yên tâm, quay lại với các hoạt động du lịch, giải trí và các hoạt động công cộng, do vậy nhu cầu sẽ hồi phục cả ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và dịch vụ.
Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cũng đưa ra dự báo, Mỹ sẽ tiếp tục là điểm sáng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó có các mặt hàng tôm, cá tra, cá ngừ và các hải sản khác sẽ gia tăng. Đặc biệt, Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn trong xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ khi Ấn Độ - nguồn cung lớn nhất về tôm tại thị trường này đang gặp khó khăn về sản xuất do dịch bệnh COVID-19.
Các thương nhân xuất khẩu thủy sản cũng cho biết, Mỹ đang tăng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam và xu hướng này sẽ tiếp tục trong những tháng tới. Các doanh nghiệp lớn xuất khẩu cá tra vào Mỹ đều ổn định và không vướng vấn đề gì với thị trường, do vậy sẽ tiếp đà đẩy mạnh xuất khẩu sang quốc gia này.
Xuất khẩu cá tra trong thời gian tới chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Mỹ và Trung Quốc, bởi hiện tại các tín hiệu thương mại từ thị trường Châu Âu (EU) chưa thể bật tăng trở lại trong quý II/2021, khi nhu cầu của ngành dịch vụ, thực phẩm tại các quốc gia trong khối này chưa rõ ràng.
Vì vậy, xuất khẩu tôm sang EU được dự báo nhiều thuận lợi, nhưng trong quý II/2021 và những tháng tiếp theo, xuất khẩu tôm sang EU được dự báo là chỉ phục hồi nhẹ, chủ yếu ở các thị trường Tây Ban Nha, Hà Lan, Italia.
Dự báo nhiều quốc gia tăng nhập khẩu thủy sản
Theo Bộ NNPTNT, Đức là quốc gia phát triển trong khối liên minh EU với dân số 83,88 triệu người. Mức tiêu thụ thuỷ sản bình quân đầu người năm 2020 của Đức là gần 14kg/người/năm.
Mặc dù mức tiêu thụ thuỷ sản này không cao so với bình quân tiêu thụ thuỷ sản thế giới, ngày càng nhiều người dân Đức lựa chọn tiêu dùng thuỷ sản. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Đức trong thời gian tới sẽ tăng.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8.2020 tạo ra nhiều lợi thế với sản phẩm thuỷ sản chính của Việt Nam xuất khẩu tới Đức. Chính vì thế, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tới Đức trong thời gian tới sẽ tăng mạnh.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) nhận định: Việt Nam vẫn được hưởng thuế suất nhập khẩu vào Hàn Quốc là 0% đối với các sản phẩm bạch tuộc tươi, sống và đông lạnh (HS030751 và HS030759) và đây cũng là sản phẩm bán được nhiều nhất vào thị trường này.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu bạch tuộc của Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu với 2 sản phẩm có mã trên để tăng kim ngạch xuất khẩu bạch tuộc hơn nữa sang Hàn Quốc.
Ngoài ra, trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Canada sẽ tăng trưởng tốt do thủy sản Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu của quốc gia này.
Theo Bộ Công Thương, trong những tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản được hỗ trợ bởi hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Hiện trong số 16 FTA mà Việt Nam tham gia, 13 FTA đã có hiệu lực (1 FTA sắp có hiệu lực và 2 FTA đang đàm phán). Những FTAs này được kỳ vọng là đòn bẩy để xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói riêng tăng tốc trong năm 2021.
Khoa Thủy sản sưu tầm