Hội nhập kinh tế khu vực và thế giới tạo điều kiện cho ngành nông lâm thủy sản Việt Nam mở rộng sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu rộng trên thị trường thế giới. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam thực hiện cơ cấu lại quyết liệt hơn, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững hơn.
Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển đất nước, kế hoạch phát triển ngành, tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. toàn ngành nông nghiệp xác định “Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”.
Đối với ngành thủy sản, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:
- Khai thác và bảo vệ nguồn lợi: Nâng cao chất lượng khai thác; tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để khai thác hải sản, đảm bảo gắn liền với bảo vệ và phát triển nguồn lợi và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, vận chuyển, bốc dỡ sản phẩm để nâng cao giá trị, giảm tổn thất sau thu hoạch… Thực hiện quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng” của EU; đồng thời hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế.
- Nuôi trồng thủy sản: Phát triển mạnh nuôi các đối tượng chủ lực, trọng tâm là nuôi tôm, cá tra và nuôi biển. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2025, Đề án sản phẩm quốc gia tôm nước lợ và cá da trơn, rà soát, điều chỉnh Chiến lược phát triển nuôi biển đến năm 2030. Phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; hỗ trợ nông dân phát triển nuôi quảng canh tiên tiến, nhân rộng các mô hình kết hợp lúa - thủy sản, nuôi kết hợp tôm, cá và các đối tượng khác hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Giữ ổn định diện tích nuôi cá tra khoảng 5,4 nghìn ha. Ổn định diện tích nuôi tôm sú 620 nghìn ha, sản lượng 330 nghìn tấn; phát huy lợi thế của nuôi tôm thẻ chân trắng, gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu, duy trì diện tích nuôi tôm chân trắng khoảng 105 nghìn ha, sản lượng 530 nghìn tấn, tạo động lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển ngành tôm đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2020. Đẩy mạnh phát triển nuôi cá rô phi thâm canh trong ao ở đồng bằng Bắc Bộ, nuôi lồng bè ở Nam Bộ; phát triển nuôi nhuyễn thể và các loại thủy sản khác phù hợp với từng vùng, miền và thị trường.
- Đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến thủy sản theo công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của các thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc… cũng như phục vụ cho tiêu dùng trong nước.
- Kiểm soát chặt chẽ và khống chế tốt dịch bệnh trên tôm; kịp thời cảnh báo để hạn chế rủi ro. Kiểm soát chặt chất lượng giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu, ngăn chặn việc tiêm chích tạp chất và tồn dư kháng sinh trong thủy sản nuôi; hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Ngành thủy sản phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 4,69%, giá trị gia tăng trên 4,6%. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 8,08 triệu tấn (tăng khoảng 4,2% so với 2018), trong đó nuôi trồng khoảng 4,38 triệu tấn (tăng 5,6%), khai thác khoảng 3,7 triệu tấn (tăng 2,6%). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 10,5 tỷ USD.
Khoa Thủy sản sưu tầm