(Thủy sản Việt Nam) - Ngành NTTS nhiều nơi trên thế giới đang “dậy sóng” trước những hiểm họa từ rác thải nhựa và phải đối mặt nhiều chất vấn nhất về vấn đề này. Những trại nuôi thủy sản có nguy cơ gây hại môi trường biển và sản phẩm nhiễm vi nhựa luôn là những lo ngại của cả nhà sản xuất và nhà khoa học nhiều thập kỷ qua.


Có mặt khắp nơi

Mới đây, các hãng sản xuất nhuyễn thể tại British Columbia (B.C) thuộc Canada đã chung tay xây dựng quỹ nghiên cứu khoa học về những tác động của rác thải nhựa tới ngành công nghiệp nuôi ngao và hàu tại khu vực này. Hành động trên được các nhà khoa học đánh giá cao. Darlene Winterburn, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi nhuyễn thể tại B. C, đại diện cho hơn 70% hộ nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại B. C cho biết, chúng tôi hỗ trợ xây dựng quỹ nghiên cứu khoa học để tìm hiểu về hạt vi nhựa trong môi trường biển, từ đó mới biết được môi trường đang cần gì và chúng ta có thể làm gì cho môi trường.

Hạt vi nhựa có đường kính dưới 5 mm, có nguồn gốc từ mảnh vỡ sản phẩm nhựa tiêu dùng, hoặc vi sợi tổng hợp - những mảnh siêu nhỏ từ sợi tổng hợp được sử dụng làm dây thừng trong khai thác và NTTS. Theo Winterburn, kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy hạt vi nhựa đang có mặt ở khắp mọi nơi và có một lượng nhỏ vi nhựa tồn tại trong thực phẩm hàng ngày của con người.

Theo báo cáo Vi nhựa trong khai thác và NTTS 2017 của FAO, phần lớn những thực phẩm được phát hiện thấy vi nhựa đều có nguồn gốc từ thủy, hải sản. Nghiên cứu của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (ESA) cũng phát hiện hạt vi nhựa và siêu vi nhựa có kích thước bằng hạt nano (nanoplastic) đã xuất hiện trong thực phẩm, nhưng chủ yếu tập trung trong nhóm thủy, hải sản. Các nghiên cứu của ESA cũng phát hiện vi nhựa trong cá và nhuyễn thể tại nhiều chợ thủy sản và cả trong tự nhiên. 

Con người và đại dương gặp nguy

Trợ lý GS Chelsea Rochman, Khoa Nghiên cứu tự nhiên và tiến hóa sinh học, Đại học Toronto, Canada cho biết, khi chúng ta ăn hải sản là ăn cả hạt vi nhựa. Hạt vi nhựa tới từ khắp mọi nơi, từ nhiều nguồn khác nhau. Theo Unesco, 1 triệu mòng biển và hơn 100.000 động vật biển có vú bị chết vì rác thải nhựa hàng năm. Năm 2014, Rochman đã tìm thấy mẫu cá và nhuyễn thể mua tại chợ ở Indonesia và hàu mua tại chợ ở California (Mỹ) chứa hạt vi nhựa. Rochman không lo lắng lắm về nguy cơ những hạt vi nhựa sẽ đi vào cơ thể người thông qua việc ăn cá chứa vi nhựa mà lo lắng nhiều hơn về việc các hóa chất được thêm vào nhựa để chúng dễ uốn nắn hoặc tạo ra các đặc tính độc đáo. Phần lớn các hóa chất này khiến nhựa vỡ ra thành nanoplastics đi thẳng vào mô tế bào của cá và người, từ đó tác động làm thay đổi gene. Theo bà, ngành NTTS nên phối hợp với các nhà khoa học hoặc tìm hiểu lại cách sử dụng nhựa trước đây của mình; từ đó, tiến tới giảm sử dụng loại vật liệu này.

Tuy vậy, đây là một thách thức lớn vì lượng nhựa được sản xuất ra hàng năm vẫn đang tăng đều đặn từ 322 triệu tấn vào năm 2015 và dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2025 và gấp 3 vào năm 2050. Theo các nhà khoa học, khoảng 4,8 đến 12,7 triệu tấn nhựa bị thải vào đại dương trong năm 2017. Nếu không tìm được biện pháp quản lý vấn đề này hiệu quả, thì lượng rác thải nhựa trong đại dương sẽ tăng lên gấp 10 lần vào thập kỷ tới, theo FAO. Hiện, chưa có báo cáo chính thức về khối lượng nhựa thải trong đại dương từ ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản, theo FAO. Nhưng nhiều bằng chứng cho thấy, ngành nuôi thủy sản, đặc biệt là nhuyễn thể đang là “nghi phạm” lớn nhất trước hàng loạt vụ ô nhiễm đường bờ biển do mảnh vụn nhựa từ lồng EPS, lưới, dây thừng và lồng nuôi.

Theo các nhà khoa học, các hãng NTTS có thể ngăn chặn tình trạng hạt vi nhựa làm ô nhiễm đại dương và thực phẩm thủy sản bằng cách quản lý loại sử dụng nhựa. Sarah Dudas, chuyên gia sinh học tại Đại học Victoria, British cho biết, các nhà sản xuất NTTS phải đi đầu trong cuộc chiến chống lại rác thải vi nhựa và phối hợp chặt chẽ với các nhà nghiên cứu khoa học. Đó là lý do bà và nhiều nhà khoa học đánh giá cao quỹ nghiên cứu vi nhựa của Hiệp hội Nuôi nhuyễn thể tại B. C. Đã đến lúc các hãng thủy sản phải chấm dứt tình trạng sử dụng nhựa một cách “vô trách nhiệm”, bà Dudas chia sẻ. Theo bà Dudas, người tiêu dùng ngày càng quan tâm xuất xứ sản phẩm và họ sẽ không từ chối các sản phẩm thủy sản nuôi từ một công ty luôn chứng tỏ được nỗ lực trong  giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. 


>> TS Lisbeth Van Cauwenberghe và Colin R. Janssen của Đại học Ghent (Bỉ) đã công bố nghiên cứu vào năm 2014, trong đó có phát hiện hàm lượng vi nhựa trung bình lần lượt trong vẹm xanh nuôi tại trại North Sea và hàu thái Bình Dương nuôi trên biển Atlantic là 0,36 và 0,47 mảnh nhỏ/g. Họ đã tiến hành các biện pháp lọc sạch sản phẩm trong 3 ngày và hàm lượng vi nhựa đã giảm lần lượt xuống 0,24 và 0,35 mảnh/g hàu và vẹm xanh.