Năm qua, dù bị tác động không nhỏ từ Covid-19 khiến chuỗi cung ứng và sản xuất ngành tôm bị trì trệ cục bộ, song xuất khẩu tôm năm 2021 vẫn đạt kim ngạch 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020. VASEP tin rằng mốc 4 tỷ USD xuất khẩu tôm trong năm 2022 là trong tầm tay…
Xuất khẩu tôm nhiều cơ hội tăng trưởng.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) vừa đưa ra báo cáo ngành hàng tôm 2016-2021, dự báo tới năm 2025. Theo đó, năm 2021 Hoa Kỳ đã trở thành thị trường lớn nhất của tôm Việt, chiếm 28% thị phần; thị trường lớn thứ hai là EU và Anh (21,8%); thứ ba là Nhật Bản (14,9%). Trung Quốc, tuy có sụt giảm vẫn duy trì thứ tư (10,6%), kế tiếp là Hàn Quốc (9,6%)…
ĐỨNG THỨ TƯ TRONG CUỘC ĐUA XUẤT TÔM SANG MỸ
Cũng theo VASEP, Mỹ đã tạo nên một kỷ lục mới về khối lượng lẫn kim ngạch nhập khẩu tôm trong năm 2021 với khối lượng đạt 896.109 tấn, trị giá trên 8 tỷ USD, tăng 20% về khối lượng và 24% về giá trị so với năm 2020. Sự phục hồi kinh tế Mỹ sau giai đoạn căng thẳng của đại dịch được coi là mạnh mẽ nhất trong số các nền kinh tế phương Tây.
Ấn Độ dẫn đầu về cung cấp tôm cho Mỹ năm 2021, với 340.351 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 3 tỷ USD; chiếm 38% về khối lượng và 37% về giá trị trong nhập khẩu tôm của Mỹ. Ecuador đứng thứ hai trong các nước xuất khẩu tôm vào Mỹ năm 2021 với 183.886 tấn, trị giá 1,36 tỷ USD; chiếm 20,5% tổng khối lượng và 17% về giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ. Indonesia đứng ở vị trí thứ ba, đạt 174.583 tấn, trị giá 1,6 tỷ USD.
Tôm Việt Nam được xuất khẩu vào 17 bang của Mỹ, trong đó bang New York ghi nhận khối lượng nhiều nhất với 31.647 tấn, chiếm 36% tổng khối lượng nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ, bang California nhập nhiều thứ hai với 23.995 tấn, chiếm 27% tổng khối lượng tôm nhập khẩu từ Việt Nam.
Việt Nam xếp thứ tư trong cuộc đua xuất khẩu tôm sang Mỹ. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ năm 2021 đạt 88.161 tấn, trị giá 969,2 triệu USD, tăng 33% về khối lượng và 39% về giá trị so với năm 2020. Như vậy, thị trường Mỹ chiếm 28% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2021.
Tôm nuôi (tôm thẻ, tôm sú) lột vỏ đông lạnh (tôm thịt) là sản phẩm Mỹ nhập khẩu nhiều nhất trong năm qua. Giá trung bình nhập khẩu mặt hàng này từ Ấn Độ đạt 8,8 USD/kg, Ecuador 8,6 USD/kg, Indonesia 9,9 USD/kg và Việt Nam 12 USD/kg.
Tôm thịt đông lạnh loại khác (tôm nước lạnh, tôm biển…) là sản phẩm nhập khẩu lớn thứ hai của Mỹ, giá nhập khẩu trung bình mặt hàng này từ Ấn Độ đạt 8,1 USD/kg, Việt Nam 10,6 USD/kg. Tiếp theo là tôm chế biến khác và tôm bao bột đông lạnh với giá trung bình nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 10 USD/kg, từ Việt Nam 11,1 USD/kg.
Trên thị trường Mỹ, giá tôm Việt Nam luôn cao hơn so với giá tôm của Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, cho thấy lợi thế cạnh tranh mặt hàng tôm của Việt Nam là ở chất lượng chứ không phải về giá.
Nhu cầu tôm của Mỹ dự báo vẫn ổn định trong năm 2022 và đây là thị trường trọng điểm doanh nghiệp luôn cần tập trung phát triển. Để tăng sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ, ngành tôm Việt Nam vẫn cần có chiến lược bài bản về cải thiện giá thành nuôi tôm và chế biến tôm, cải thiện hoạt động chế biến và nắm bắt đúng thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ.
THẾ MẠNH Ở THỊ TRƯỜNG CHÂU ÂU
Thị trường EU và Anh vẫn là thị trường lớn và đầy tiềm năng cho tôm Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 850 triệu USD, chiếm 21,8% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của nước ta.
Thị trường châu Âu có đặc điểm là khúc thị phần cao cấp khá lớn. Đi liền đó, họ đòi hỏi sự kiểm soát kỹ lưỡng chuỗi sản phẩm của nhà nhập khẩu. Hiện nay cơ sở nuôi tôm đạt chuẩn ASC của chúng ta chưa tới chục nghìn hecta, con số rất thấp so tổng diện tích nuôi.
Tuy nhiên, so các nước đối thủ, chúng ta còn đi trước lĩnh vực này, cho nên tôm chế biến sâu vào các hệ thống phân phối lớn và cao cấp là thế mạnh của chúng ta.
“Tôm ta tuy chiếm hạng sau tôm Ecuador ở đây về lượng, nhưng tiềm năng về thị trường của chúng ta lớn hơn, bởi trình độ chế biến của Ecuador còn thấp”, VASEP nhận định.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Nhật Bản đạt 581 triệu USD, chiếm 14,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta năm 2021. Thị trường Nhật Bản năm qua biến động thất thường theo diễn biến Covid-19 ở đây.
Tuy xuất khẩu tôm vào Nhật Bản trong hai tháng đầu năm nay không tăng trưởng, nhưng tỷ suất lợi nhuận khi xuất khẩu tôm vào Nhật Bản rất tốt. Lợi thế thị trường này là gần, giao hàng nhanh giảm rủi ro, thanh toán sòng phẳng.
“Điểm tồn đọng là tất cả lô tôm Việt vào đây đều phải bị kiểm tra khá chặt chẽ mới thông quan. Dù các lô hàng đều bị kiểm tra, ít nhiều có ảnh hưởng kế hoạch tiêu thụ của phía nhà nhập khẩu nhưng tôm Việt vẫn chiếm hàng đầu ở đây, căn bản do mẫu mã sản phẩm tôm ta đẹp, chất lượng ổn định và đồng đều”, VASEP nhận định.
Trung Quốc năm qua với chính sách nhập khẩu đầy thất thường. Nguồn cung tôm giá rẻ tới thị trường này quá lớn cộng với tác động Covid-19 lên tiểu ngạch khiến việc cung ứng tôm sú cỡ lớn của Việt Nam có phần giảm sút tại Trung Quốc.
ĐỐI SÁCH NÀO CHO NGÀNH TÔM VIỆT NAM
VASEP cho rằng những năm gần đây, ngành tôm của Ấn Độ và Ecuador đã có quyết sách khá thành công. Đơn cử như Ecuador, đối mặt với thiếu hụt lao động, hai năm qua họ có chính sách nhập cư lao động và nhập khẩu thiết bị như Ấn Độ đã triển khai từ 5-7 năm trước.
Ecuador đã trở thành nguồn cung tôm chính cho Mỹ kể khi Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu từ một số công ty xuất khẩu tôm lớn của Ecuador do lo ngại coronavirus trên bao bì sản phẩm, nên Ecuador phải chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Với ngành tôm Việt Nam có một sự kiện quan trọng, đó là chiều ngày 22/2/2022 đã diễn ra lễ ký kết giữa Ngân hàng Nam Á và một số doanh nghiệp lớn trong ngành tôm.
Theo đó, Nam A Bank cam kết dành 30.000 tỷ đồng cho Nam Miền Trung Group và tất cả đối tác liên quan vay trong giai đoạn 2022 – 2025 để đầu tư vào phát triển ngành tôm.
Ngành tôm Việt cần cải thiện hoạt động chế biến như: đưa các thiết bị phục vụ dây chuyền chế biến nhằm bán tự động hoặc tự động các khâu nào có thể. Việc này góp phần tăng năng suất, giảm lệ thuộc lao động và tăng mức vệ sinh an toàn cho sản phẩm. Trong đó chú trọng ứng dụng ở những nhà máy sắp xây dựng mới, tạo nền cho một bước tăng trưởng về trình độ chế biến tôm của ta, nới rộng khoảng cách với các quốc gia đối thủ.
Cụ thể, Nam A Bank sẽ tài trợ vốn cho Nam Miền Trung Group xây dựng dự án nhà máy chế biến tôm tại Long An giai đoạn 2; đầu tư xây dựng chuỗi cửa hàng cung cấp giống, thức ăn, thuốc, vật tư, thiết bị nuôi tôm, tư vấn kỹ thuật, tổ chức thu mua/bao tiêu đầu ra, tích hợp cung cấp giải pháp tài chính.
Để thúc đẩy ngành hàng tôm Việt Nam phát triển nhanh hơn, VASEP kiến nghị: Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, chú trọng thúc đẩy phát triển con tôm và có chương trình hành động quốc gia thúc đẩy phát triển con tôm tới năm 2025. Chiến lược phát triển thủy sản, trong đó có con tôm tới năm 2030 tầm nhìn 2045 đã được công bố.
VASEP cho rằng giá thành tôm nuôi ở Việt Nam còn cao. Vì vậy, cần cải thiện cơ bản là tăng tỷ lệ thu hồi đầu con khi nuôi. Như vậy cần con giống tốt và quy trình nuôi phù hợp hoàn cảnh cụ thể. Trong đó chú trọng tối ưu hệ số thức ăn, bởi thức ăn có thể chiếm hơn 50% giá thành. Khi cải thiện giá thành nuôi sẽ góp phần cải thiện giá thành tôm chế biến, sẽ tăng sức cạnh tranh tôm ta trên thương trường thế giới.
VASEP cũng kiến nghị các cơ quan chức năng ở địa phương cần khẩn trương thúc đẩy công tác đánh mã số cơ sở nuôi, bởi đây là xu thế tất yếu. Việc này càng nhanh càng có lợi cho tốc độ tăng trưởng (bề rộng) và thâm nhập các hệ thống phân phối cấp cao (chiều sâu), bởi các hệ thống cao cấp cần kiểm soát, truy xuất cả chuỗi.
Cần nhanh chóng quy hoạch vùng nuôi tôm quy mô ở từng địa phương nhằm phát triển xanh, bền vững. Đây là giải pháp lớn trong chiến lược phát triển ngành tới năm 2030. Có quy hoạch hoàn thiện sẽ giảm rủi ro trong việc nhiễm chéo; trong việc cung ứng đủ nước nuôi; trong việc xử lý nước thải nuôi nhằm hạn chế tác động xấu môi trường.
TS Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Fimex Việt Nam
Thời gian từ trước Tết một tháng đến nay là quãng thời gian hết sức nhộn nhịp của hoạt động nuôi tôm. Năm nay, thời tiết ở các tỉnh miền Nam khá tốt, tôm sẽ phát triển ổn định và ít dịch bệnh.
Tôi nhận thấy với tình hình này việc tiêu thụ của các doanh nghiệp tôm sẽ khởi sắc ngay từ đầu năm và hứa hẹn năm 2022 chinh phục mốc 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm là trong tầm tay. Điểm lưu ý là phải “biết người biết ta”, hai đối thủ tôm lớn nhất là Ecuador và Ấn Độ đang ráo riết tăng sản lượng lẫn hàm lượng trong chế biến hòng cạnh tranh tôm ta, nhất là ở Hoa Kỳ, là thị phần tôm Việt cao nhất. Nhưng chúng ta có niềm tin các doanh nhân thủy sản Việt có đủ bản lĩnh trên thương trường mình đã dạn dày “chinh chiến” bao năm qua, sẽ vượt qua các thách thức, trong đó yếu tố hết sức cơ bản là nâng cao hơn trình độ chế biến để chiếm lĩnh mảng tiêu thụ cao cấp ở các thị trường tiêu thụ trọng điểm, ít đối thủ và có biên lợi nhuận tốt.
Khoa Thủy sản sưu tầm