Nhãn (Dimocarpus longan) là cây ăn quả quan trọng ở châu Á, đã được trồng đại trà ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ. Sản lượng nhãn toàn cầu hàng năm là hơn 2 triệu tấn. Đặc biệt, hạt là phế phẩm và thường bị loại bỏ, chiếm 12,5–21,1% tổng trọng lượng quả. Tuy nhiên, hạt nhãn (Longan seed – LS) chứa nhiều chất dinh dưỡng, chủ yếu là carbohydrate (75,57%), trong số các thành phần tự nhiên khác. Loạt hạt này cũng có thành phần dinh dưỡng khá cao với protein (7,17%), lipid (0,23%), tro (1,73%), chất xơ thô (7,89%) và độ ẩm (7,40%). Hơn nữa, LS có chứa một số axit phenolic, chẳng hạn như axit chebulagic, axit isomallotinic, geraniin, brevifolin, axit butanoic, axit caffeic và axit flavogallonic. Do đó, các đặc tính tăng cường sức khỏe của chiết xuất LS đã được nghiên cứu rộng rãi, cùng với các đặc tính sinh học khác nhau của chúng, bao gồm các đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm đối với Staphylococcus aureus, Streptococcus mutans, Candida spp., và Cryptococcus neoformans; hoạt động chống tạo mạch trong ung thư ruột kết; và cải thiện trí nhớ. Tuy nhiên, thông tin về việc sử dụng LS trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản còn hạn chế. Trong nghiên cứu được thực hiện mới đây của các thành viên nhóm NCM Dinh dưỡng và Thức ăn thủy sản (Khoa Thuy sản), LS đã được sử dụng như một loại nguyên liệu bổ sung với các tỷ lệ hàm lượng khác nhau trong thức ăn của cá rô phi để đánh giá các ảnh hưởng đến tăng trưởng, đáp ứng miễn dịch và biểu hiện một số gen. Cá rô phi được cho ăn trong 8 tuần với các thức ăn được chuẩn bị tương ứng với 5 nghiệm thức (5 hàm lượng khác nhau của bột hạt nhãn). Cá được thả nuôi trong các bể biofloc với thể tích 120L/bể và mật độ 20 con/bể; các thông số về môi trường nước được duy trì ở ngưỡng thích hợp cho sự phát triển của cá. Ở thời điểm 4 và 8 tuần, cá được cân và lấy mẫu ở một số cơ quan để thực hiện các phân tích chỉ tiêu thí nghiệm.

Sau khi kết thúc thí nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy việc bổ sung bột hạt nhãn vào trong thức ăn của cá rô phi đã giúp cải thiện đáng kể (P <0,05) tốc độ tăng trưởng đặc trưng (SGR), tăng trọng (WG) và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) so với nhóm đối chứng. Cá ở các nghiệm thức được cho ăn bổ sung LS cho thấy hoạt tính peroxidase huyết thanh (SPA), hoạt tính lysozyme huyết thanh (SLA), hoạt tính lysozyme chất nhầy da (MLA) và hoạt tính peroxidase chất nhầy da (MPA) được tăng cường ở tuần thứ 4 và 8 sau khi cho ăn, với các giá trị cao nhất được quan sát thấy ở nghiệm thức LS20 (P <0,05). Ngoài ra, cá ở các khẩu phần ăn có bổ sung LS có biểu hiện gen liên quan đến miễn dịch và chống oxy hóa được điều chỉnh tăng đáng kể (P <0,05) trong gan và ruột, với giá trị cao nhất ghi nhận được ở nghiệm thức LS20. Các kết quả này đã chứng minh tác dụng có lợi của LS như một chất phụ gia chức năng và chất kích thích miễn dịch trong thức ăn của cá rô phi được nuôi trong hệ thống biofloc.

ThS. Lê Xuân Chinh

Nhóm NCM Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thuỷ sản