Hiện nay, nông dân của Hà Nội đang tập trung cải tạo, nạo vét, xử lý môi trường nước, bước vào vụ nuôi trồng thủy sản mới. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến khó lường cùng giá thức ăn tăng cao nên ngành Nông nghiệp Thủ đô khuyến cáo nông dân cần sản xuất theo nhu cầu thị trường kết hợp chú trọng phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Mô hình nuôi trồng thủy sản Việt GAP tại xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì). Ảnh: Đỗ Tâm

Theo ông Đỗ Văn Sim - Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Tân Tiến, xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì), Hợp tác xã đang thả nuôi hơn 200ha cá trong bối cảnh chi phí đầu tư con giống, thức ăn thủy sản tăng cao... Để bảo đảm hiệu quả, trước đó, Hợp tác xã tập trung cải tạo ao nuôi, rắc vôi bột khử trùng, làm sạch môi trường. Hy vọng thời gian tới, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, giá sản phẩm tăng, bảo đảm người nuôi thủy sản sẽ có lãi.

Cũng về lĩnh vực này, theo ông Trần Văn Bá ở xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa), với diện tích 2ha nuôi trồng thủy sản, trung bình mỗi năm thu hoạch khoảng 40 tấn cá. Dù giá thủy sản có thời điểm bấp bênh, trong khi giá thức ăn thủy sản liên tục tăng, song trang trại vẫn tiếp tục nạo vét ao để bước vào vụ nuôi trồng thủy sản mới nhằm cung cấp nguồn cá sạch cho thị trường Hà Nội.

Theo Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn, diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội hiện đạt 24.000ha, sản lượng năm 2021 đạt 117,7 nghìn tấn, tăng 2,9% so với năm 2020. Thời điểm này, do đầu ra sản phẩm bấp bênh, giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng... do đó, Chi cục khuyến cáo nông dân cần linh hoạt chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản, vừa giảm chi phí, vừa phù hợp thị hiếu tiêu dùng.

Về vấn đề này, theo bà Phạm Thị Hồng ở xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì), với diện tích 2ha nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, năm 2022, trang trại không nuôi 2 loại cá rô phi đơn tính và cá chim để giảm lượng cám tiêu thụ hằng ngày. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, trang trại sẽ nuôi một số giống thủy đặc sản như ốc nhồi, tôm càng xanh…

Ở góc độ quản lý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch thông tin, toàn huyện hiện có 4.070ha nuôi trồng thủy sản ở các xã: Trung Tú, Phương Tú, Hòa Lâm... Để các vùng nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị của ngành Nông nghiệp Thủ đô triển khai các dự án hỗ trợ nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn; thực hiện liên kết chuỗi, bảo đảm đầu ra thuận lợi.

Để nuôi trồng thủy sản năm 2022 đạt hiệu quả cao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình cải tạo ao, đầm, diện tích nuôi, lượng con giống thả nuôi... Mặt khác, Sở tăng cường đôn đốc các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm quy trình nuôi, trước mắt làm tốt công tác chuẩn bị ao nuôi kết hợp phòng chống dịch bệnh cho thủy sản.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô khuyến khích nông dân áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản như: Công nghệ "sông trong ao", nuôi thâm canh với các đối tượng chép, trắm cỏ, rô phi... Sở NN&PTNT cũng tiếp tục tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; hỗ trợ cơ sở sản xuất giống thủy sản, tăng cường kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thủy sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.

                                                                                                                                    Khoa Thủy sản sưu tầm