Phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản

(Thủy sản Việt Nam) - Thời gian gần đây, nắng nóng kéo dài đã làm nhiều diện tích thủy sản bị ảnh hưởng, gây thiệt hại không nhỏ đến hiệu quả kinh tế của người nuôi.

 


 Ảnh: Quang Quyết 

Diễn biến phức tạp

Nắng nóng kéo dài khắp cả nước khiến nhiều đối tượng thủy sản ở một số địa phương chết hàng loạt, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi. Đối với tôm, đây là thời điểm tôm dễ bị nhiễm các bệnh như đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng. Đối với các vùng nuôi cá nước ngọt, thời tiết nắng nóng làm các khí độc như H2S, NH3 sản sinh trong ao nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng, vi khuẩn, virus gây các bệnh như bệnh đốm đỏ, bệnh viêm ruột.

Đặc điệt, theo kết quả quan trắc môi trường nguồn nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ tại một số tỉnh trọng điểm khu vực phía Bắc, Nam Trung bộ, ĐBSCL, trong tháng 4 và tháng 5 đã phát hiện sự có mặt của tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp; kết quả giám sát định kỳ một số yếu tố môi trường nước ao nuôi cũng phát hiện sự có mặt tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng, hàm lượng NO2 trong nước một số ao nuôi cao hơn giới hạn cảnh báo và đều có biểu hiện ô nhiễm hữu cơ (thông số COD và TSS cao hơn các đợt quan trắc những năm trước).

Tăng cường quản lý

Ao nuôi nước ngọt: Cần duy trì mực nước trong ao nuôi ổn định khoảng 1,5 - 2 m nước. Luôn đảm bảo hàm lượng ôxy > 4 mg/l. Ở những nơi có điều kiện thay nước, có thể thay khoảng 15 - 20% lượng nước cũ và cấp thêm nước mới vào ao dưới dạng phun mưa (tốt nhất vào sáng, sớm).

Ao tôm nước lợ: Quản lý chặt chẽ sự phát triển của tảo, nhất là trong thời gian nắng nóng. Khi tảo phát triển mạnh (màu nước xanh đậm đặc) có thể dùng các biện pháp phù hợp để diệt tảo. Lưu ý, trong thời gian diệt tảo nên giảm 30 - 50% lượng thức ăn của tôm, đồng thời tăng cường quạt nước để hóa chất bay hơi, sau đó bón chế phẩm vi sinh để phục hồi hệ vi khuẩn trong ao.

Sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm, thời gian mỗi đợt từ 5 - 7 ngày để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ. Định kỳ 10 - 15 ngày/lần sử dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý nước và đáy ao nuôi, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Nuôi lồng bè: Các cơ sở nuôi nên thường xuyên vệ sinh lưới lồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng để tăng lưu tốc dòng chảy, nhằm cải thiện chất lượng nước giúp thủy sản nuôi mau lớn, tăng hàm lượng ôxy.

San thưa mật độ trong mỗi ô lồng (nên duy trì mật độ 500 con/lồng với cá nhỏ và 100 - 150 con/lồng đối với cá sắp thu hoạch)

Đối với nuôi tôm hùm, không nuôi với mật độ dày, san thưa mật độ theo tuổi và kích cỡ tôm theo Quyết định số 2383/QĐ-BNN-NTTS ngày 6/8/2008 của Bộ NN&PTNT về việc Ban hành quy định tạm thời về nuôi tôm hùm, cụ thể như sau:

Ngao/nghêu: Thực hiện san thưa khi cần thiết, thời điểm là khi thủy triều xuống và hoàn thành trước khi phơi bãi, không thực hiện lúc bãi khô hoặc nhiệt độ cao. Di dời đến vùng an toàn hoặc thu hoạch khi đạt kích thước thương phẩm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

San bằng, khai thông những vùng bị đọng nước tránh hiện tượng nước tồn đọng, làm tăng nhiệt độ, ảnh hưởng đến ngao/nghêu. Nếu phát hiện ngao/nghêu chết trên bãi, lập tức thu gom để tránh ảnh hưởng sang các cá thể còn sống.

Lưu ý chung

Vào thời điểm nắng nóng, đối với tất cả các loài thủy sản, cần giảm lượng thức ăn (30 - 50%) hoặc bỏ bữa trưa do thời điểm này nhiệt độ cao khiến các loài thủy sản giảm khả năng bắt mồi và tiêu hóa thức ăn. Thường xuyên bổ sung Vitamin C vào thức ăn giúp thủy sản tăng cường sức đề kháng.

Quan sát thấy thủy sản có dấu hiệu bị bệnh, người nuôi cần chủ động báo cho thú y địa phương, cơ quan chuyên môn phối hợp để theo dõi, kiểm tra, lấy mẫu, xác định nguyên nhân thủy sản chết, kiểm tra các yếu tố môi trường nuôi.

Các địa phương, cơ quan cần thường xuyên lấy mẫu quan trắc cảnh báo môi trường, theo dõi chặt chẽ các vùng nuôi để nắm bắt tình hình.

Khoa Thủy sản sưu tầm