Sáng thứ 2, Ngày 27/5/2019, đã diễn ra buổi Seminar khoa học với chủ đề Ứng dụng công nghệ nuôi tuần hoàn trong nuôi trồng Thủy sản tại Phòng Hội thảo, Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Seminar bao gồm 2 bài trình bày “Nguyên lý của công nghệ nuôi tuần hoàn IPA” và “ Thích ứng khi áp dụng công nghệ nuôi tuần hoàn IPA trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam”.

Đến tham dự buổi seminar có thầy cô từ các bộ môn Dinh dưỡng thức ăn thủy sản, Môi trường và Bệnh thủy sản, Nuôi trồng thủy sản và các thầy cô trong nhóm nghiên cứu mạnh Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản. PGS.TS. Trần Thị Nắng Thu đã trình bày về nguyên lý của công nghệ nuôi tuần hoàn IPA. Intensive Pond Aquaculture (IPA) là công nghệ nuôi tuần hoàn có xuất xứ từ Mỹ, đã được áp dụng thành công tại Mỹ và nay mở rộng sang áp dụng ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. Về nguyên lý cơ bản của công nghệ là có khả năng phân tách phần lớn thải rắn trong quá trình nuôi cá ra khỏi môi trường nuôi, tạo môi trường nước nuôi trong sạch, công nghệ có khả năng áp dụng ở quy mô lớn. Một vài công nghệ nuôi tuần hoàn đã được giới thiệu và thử nghiệm ứng dụng tại Việt Nam nhưng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ. Nhóm nghiên cứu mạnh Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản cùng các em sinh viên, học viên cao học  theo dõi các mô hình ứng dụng công nghệ này tại Hải Dương và bước đầu có những kết quả để thảo luận. Các vấn đề đưa ra thảo luận xoay quanh công nghệ và việc nội địa hóa một phần của công nghệ cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam, các đối tượng nuôi nào và các mô hình nuôi nào có khả năng ứng dụng được công nghệ. Các thầy cô đều nhất trí cho rằng, công nghệ cao có nhiều ưu điểm, nhưng đi kèm với nó cũng có nhiều nhược điểm và để áp dụng được cần có nhiều điều kiện đi kèm. Việc nội địa hóa công nghệ, làm cho công nghệ phù hợp và phát huy được hiệu quả ở Việt Nam là khả thi. Một số định hướng nghiên cứu tiếp tục xung quanh công nghệ này cũng đã được nhóm nghiên cứu mạnh đưa ra như: nghiên cứu về đối tượng nuôi chính, đối tượng nuôi kết hợp, một số giải pháp về vấn đề sục khí và thiết kế bên trong các máng nuôi.

Buổi seminar là cơ hội để các thành viên tham gia cập nhật thông tin về công nghệ mới và đưa ra hướng nghiên cứu trong thời gian tới nhằm góp phần nâng cao công tác nghiên cứu khoa học gắn với thực tế sản xuất của các thầy cô và sinh viên.

Một số hình ảnh seminar khoa học:

 

Nhóm NCM Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản