(Thủy sản Việt Nam) - 5 năm thực hiện tái cơ cấu không chỉ đem lại tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của ngành nông nghiệp mà còn tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, thống nhất về quan điểm, hành động của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương.



Nông sản Việt Nam đã có mặt ở 180 quốc gia 

Đây là nhận định của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa qua.

Trở mình ngoạn mục

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 5 năm, nông nghiệp đạt được tăng trưởng 2,55%/năm; kim ngạch xuất khẩu trên 157 tỷ USD, bình quân  đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2 % so bình quân 5 năm trước; năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so năm 2012, tăng trung bình 6,67%/năm, gấp đôi so mục tiêu đề ra. 

Giá trị gia tăng các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt mức cao, lần lượt là 7,8%, 4% và 4,3%. Nông sản Việt Nam đã có mặt ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm (2013 - 2017) đạt 157,5 tỷ USD, tăng 51,2% so 5 năm trước.

Trong lĩnh vực thủy sản, đã chú trọng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hành nuôi tốt, bảo đảm ATTP; tổ chức lại sản xuất trên biển và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo quản thủy sản đánh bắt từ 7 ngày lên trên 20 ngày. Trong 5 năm qua, tổng sản lượng thủy sản tăng từ 5,92 triệu tấn lên 7,2 triệu tấn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 4,7%/năm, giá trị tăng thêm đạt 4,3%/năm. Giá trị trên 1 ha mặt nước NTTS năm 2017 đạt 206,8 triệu tấn, tăng gấp 1,4 lần so năm 2012. Công nghiệp chế biến thủy sản được đầu tư theo hướng phát triển chế biến sâu, chế biến tinh, tạo chuyển dịch về cơ cấu sản phẩm, tăng tỷ trọng hàng chế biến có giá trị gia tăng cao. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm từ lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản (phần các doanh nghiệp quản lý) đạt cao, 15,3%/năm; cả nước có trên 7.000 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp. Thị trường tiêu thụ thủy sản được mở rộng, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chuyển mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế và sản phẩm đã qua chế biến. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 157,49 tỷ USD, tăng 51,2% so giai đoạn 5 năm trước.

Thay đổi toàn diện

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao thành tựu của ngành NN&PTNT sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu góp phần rất quan trọng duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng thời nhấn mạnh, kết quả 5 năm thực hiện tái cơ cấu không chỉ đem lại tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của ngành nông nghiệp mà còn tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, thống nhất về quan điểm, hành động của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự nỗ lực vào cuộc của các nhà khoa học, bà con nông dân, cộng đồng các doanh nghiệp nông nghiệp… Sản xuất chuyển mạnh theo hướng nâng chất lượng và giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân quan tâm phát triển. Thời gian qua, Chính phủ đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; với hàng loạt các chính sách khuyến khích, ưu đãi được kỳ vọng trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ có thêm động lực để tăng trưởng, phát triển mạnh hơn nữa.

Tuy vậy, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần phải tháo gỡ; như: công tác dự báo cung, cầu yếu nên chưa tránh được tình trạng sản phẩm nông nghiệp “được mùa, mất giá”, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân; năng suất lao động nông nghiệp, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị chưa trở thành chủ đạo…

Để thay đổi, thời gian tới toàn ngành cần tập trung vào xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, nâng cao cạnh tranh quốc tế; tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua quá trình hành động cụ thể như lập quy hoạch phát triển hạ tầng nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển, tăng cường công tác quản lý sản phẩm vật tư đầu vào, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...


>>Dự kiến năm 2018, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40 tỷ USD; đặc biệt, có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trở lên; xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.