Sau 03 năm thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý giống tôm nước lợ, công tác quản lý nhà nước trong quản lý giống không ngừng được củng cố tổ chức chặt chẽ, thống nhất cơ chế quản lý chung, hài hòa phù hợp với điều kiện trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

 

Thủy sản Việt Nam: Củng cố, phát triển nguồn tôm bố mẹ
Ảnh minh họa

Đánh giá kết quả 03 năm phối hợp, đã đảm bảo việc trao đổi thông tin kịp thời phục vụ công tác quản lý giống tôm nước lợ giữa Tổng cục Thủy sản và các địa phương, giữa các địa phương cung cấp giống và địa phương tiêu thụ giống tôm nước lợ, ngành tôm luôn có sự bứt phá mạnh mẽ. Cụ thể năm 2021 sản lượng tôm nuôi các loại đạt 970 nghìn tấn, tăng 4,3 % so với năm 2020, trong đó sản lượng tôm nước lợ đạt 920 nghìn tấn, với diện tích nuôi tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) khoảng 746 nghìn ha, nhu cầu tôm giống khoảng 140-150 tỷ con. Trong đó 100-110 tỷ giống tôm thẻ chân trắng và 30-40 tỷ giống tôm sú. Số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống là 250 nghìn con (200 nghìn tôm thẻ chân trắng và 50 nghìn tôm sú).

Đã chủ động nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu, sẵn sàng phục vụ sản xuất giống trong nước với số lượng nhập khẩu duy trì hàng năm gần 200 nghìn con tôm bố mẹ chân trắng. Tôm thẻ chân trắng bố mẹ được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan. Trong đó, tôm nhập khẩu từ Công ty SIS - Mỹ chiếm 53,5%, Công ty CP - Thái Lan chiếm 20,1%, còn lại là các đơn vị cung cấp khác chiếm 26,4% (gồm: Công ty Conabay; Oceanic Institute of Hawaii Pacific University; Top Aqua; American Penaeid; SyAqua; Molokai Sea Farms…). Đặc biệt là, số lượng nhập khẩu ngày càng giảm, do nguồn trong nước ngày một củng cố, phát triển với sự tham gia của các doanh nghiệp, các Viện nghiên cứu.

Bên cạnh đó, ngoài nguồn cung cấp tôm sú từ tự nhiên, một phần từ Viện Nghiên cứu NTTS I và Công ty TNHH Moana Ninh Thuận phối hợp nghiên cứu sản xuất, một phần được nhập khẩu khoảng 5 nghìn con tôm bố mẹ. Giai đoạn 2022-2030, từ chương trình giống tăng cường đầu tư phát triển nghiên cứu giống tôm sú sạch bệnh sẽ làm tăng thêm phần chủ động nguồn tôm sú bố mẹ cung cấp cho sản xuất trong nước (Tôm thẻ chân trắng trong nước: Công ty Việt - Úc sản xuất được khoảng 20 nghìn con và cung cấp cho nhu cầu của Công ty. Đối với tôm sú, Công ty TNHH Moana Ninh Thuận nhập khẩu tôm Postlave từ Hawaii về ương dưỡng thành tôm bố mẹ. Năm 2020, Công ty đã sản xuất, cung cấp 21 nghìn con).

Năm 2021, cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; sản lượng tôm giống ước đạt 144,5 tỷ con, tăng 11 % so với cùng kỳ năm 2020. Theo Báo cáo tình hình và công tác phòng, chống bệnh động vật năm 2021, kế hoạch và các giải pháp triển khai năm 2022 của Cục Thú y: Trong 02 tháng đầu năm 2022, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh là 187 ha, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2021 (cụ thể: diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh là 138 ha, giảm nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng hợp dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp năm 2021 so với năm 2020 trên tôm nuôi giảm cả về số huyện có dịch và diện tích bị thiệt hại; đồng thời, bệnh đốm trắng năm 2021 so với năm 2020 cũng xảy ra phạm vi hẹp hơn 26% và diện tích có tôm mắc bệnh giảm 29,7%.

Công tác quản lý giống được củng cố, gắn kết chặt chẽ

Để duy trì, đạt được kết quả như trên, công tác quản lý giống thủy sản nói chung và quản lý giống tôm nước lợ luôn được củng cố, gắn kết chặt chẽ từ trung ương đến địa phương; Tổng cục Thủy sản đã tham mưu Bộ BNN&PTNT ban hành, trình Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm phát luật, tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng quản lý giống thủy sản nói chung và giống tôm nước lợ nói riêng, đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi trồng thủy sản và đáp ứng các chỉ tiêu an toàn phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 Phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, cơ sở quan trọng để tạo nguồn lực phát triển, chủ động nghiên cứu và cung cấp cho thị trường giống tôm nước lợ đảm bảo chất lượng, số lượng.

Để chỉ đạo và hướng dẫn triển khai Luật thủy sản, hàng năm đã tham mưu Lãnh đạo Bộ tổ chức Hội nghị quán triệt về công tác quản lý giống thủy sản, đặc biệt quản lý tôm giống và trong 03 năm đã tổ chức được 06 lớp tập huấn với trên 350 lượt cán bộ quản lý giống ở địa phương tham gia. Sản xuất các phóng sự, sổ tay, băng hình, chương trình tọa đàm về quản lý chất lượng giống trên truyền hình, các ấn phẩm báo giấy, báo điện tử.

Định kỳ 02 năm/lần tổ chức Đoàn kiểm tra (Tổng cục Thủy sản, một số đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Quốc hội, Chính phủ…) kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất tôm giống bố mẹ tại nước xuất khẩu, kết quả đã đình chỉ 01 cơ sở không được xuất tôm sang Việt Nam. Ngoài ra, còn tổ chức Đoàn công tác (cơ quan của Bộ, đại diện một số cơ quan, ban, ngành địa phương Bạc Liêu, Kiên Giang…) sang Hawaii, Ecuador nắm bắt, học hỏi công tác quản lý chất lượng tôm giống.

Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Thủy sản, từ năm 2019 đến nay, Tổng cục Thủy sản đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho 17/18 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ (trong đó đã cấp được 100% cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm sú, tôm thẻ chân trắng bố mẹ), kịp thời sản xuất giống bố mẹ cung cấp cho thị trường sản xuất giống cho nhu cầu nuôi thương phẩm. Đồng thời, Tổng cục Thủy sản cũng phối hợp với địa phương thực hiện thanh tra, thu mẫu giám sát bệnh trên tôm nước lợ, để kịp thời phát hiện, xử lý.

Tại các địa phương

Căn cứ Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn, văn bản chỉ đạo của Bộ, các đơn vị của Bộ, các địa phương đã khẩn trương, quyết liệt triển khai tới từng cơ sở sản xuất giống thông qua Hội thảo đầu bờ, tập huấn, hay các Hội nghị triển khai ngành ở địa phương. Đến nay, việc kiểm tra cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất ương dưỡng trên cả nước ước thực hiện được 38,3% (trong số địa phương có nhiều cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống, Bình Thuận thực hiện được 95,2%, Ninh Thuận 62%, Bạc Liêu 53% và thấp nhất là Cà Mau với 10,4%).

Các đơn vị chuyên môn địa phương hàng năm phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các đơn vị chức năng trong tỉnh (đơn vị Quản lý thị trường, Thanh tra tỉnh, Công an giao thông…) tổ chức đoàn thanh tra giống tôm lưu thông trên địa bàn để chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn. Đã kiểm tra, xử phạt 156 triệu đồng của 04 doanh nghiệp với hành vi không thực hiện kiểm tra chất lượng tôm bố mẹ nhập khẩu, 08 cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản. Trong đó Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bạc Liêu đã tiêu huỷ 300 con tôm bố mẹ không đảm bảo chất lượng sử dụng cho sinh sản và cung cấp tôm giống cho thị trường. Đặc biệt, thông tin về các cơ sở vi phạm đã được đăng tải trên trang thông tin Tổng cục Thủy sản để địa phương và các công ty, người dân được biết, phòng tránh.

Khoa Thủy sản sưu tầm