TỔNG QUAN VỀ NHU CẦU LIPID CỦA TÔM

PGS.TS. Trần Thị Nắng Thu, Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Lipid là một thành phần dinh dưỡng quan trọng trong thức ăn cho tôm. Lipid có vai trò cung cấp năng lượng, cung cấp các axit béo thiết yếu , hoạt hóa và cấu thành các enzyme, tham gia vào xây dựng cấu trúc màng tế bào, hỗ trợ hấp thu các vitamin A, D, E, K và một số chất khác. Lipid cũng là tiền chất cho quá trình chuyển hóa, thúc đẩy quá trình tăng trưởng và  lột xác ở tôm, nâng cao hệ miễn dịch trong tôm. Ngoài ra, lipid còn tạo độ ngon cho thức ăn. Nhu cầu chất béo của tôm được xác định theo các nhóm như : nhu cầu lipid tổng số, nhu cầu các axit béo thiết yếu, nhu cầu phospholipid, nhu cầu cholesteron…  Linolenic acid (thuộc nhóm omega 3) và linoleic acid (thuộc nhóm omega 6) là 2 trong số những chất béo thiết yếu cho tôm được nghiên cứu sâu rộng nhất hiện nay.

Nhu cầu chất béo của tôm được tổng hợp từ nhiều nghiên cứu của các tác giả trên thế giới và được giới thiệu trong cuốn Nhu cầu dinh dưỡng của cá và tôm (NRC, 2011).

Bảng 1. Nhu cầu chất béo đối với tôm thẻ chân trắng và tôm sú tính theo % vật chất khô (NRC, 2011)

Nhu cầu

Tôm thẻ chân trắng

P. vannamei

Tôm sú

P. monodon

18:3n-3

-

1,2

n-3 LC-PUFA

0,25-0,5

0,9

18:2n-6

-

1,2

Cholesteron (%)

0,13

-

Phospholipids (%)

-

1,0-1,5

 

Mới đây nhất, một bộ cơ sở dữ liệu về nhu cầu dinh dưỡng của một số đối tượng nuôi thủy sản chủ lực đã được công bố. Đây là bộ cơ sở dữ liệu được xây dựng công phu, có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn cao, phục vụ cho các nhà nghiên cứu, các công ty sản xuất thức ăn, người nuôi…Bộ cơ sở dữ liệu này công bố hàm lượng khuyến cáo về chất béo và các axit béo đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng theo kích cỡ tôm (Bảng 2 và Bảng 3).

Bảng 2. Nhu cầu tối thiểu lipid khuyến cáo đối với thức ăn cho tôm có độ ẩm 11%

Loài

Kích cỡ tôm

Yêu cầu lipid tối thiểu (%)

Tôm sú (P, monodon)

<3g

5.25

3-15g

5.62

15-40g

6.28

>40g

6.56

Tôm thẻ chân trắng

(P, vanamei)

<3g

6.18

3-15g

7.03

15-40g

7.68

>40g

8.24

Tôm càng xanh

(Macrobrachium spp,)

 

<3g

2.62

3-15g

2.72

15-40g

2.81

>40g

2.81

 

Bảng 3. Nhu cầu tối thiểu các axít béo khuyến cáo trong thức ăn có độ ẩm 11% đối với một số loài tôm

Loài

Tôm sú

Tôm thẻ chân trắng

Kích cỡ tôm

<3g

3-15g

15-40g

>40g

<3g

3-15g

15-40g

>40g

Nhu cầu tối thiểu các axit béo (%) trong thức ăn có độ ẩm 11%

Linolenic 18:3 n-3

0.38

0.14

0.14

0.14

0.09

0.09

0.09

0.09

EPA 20:5 n-3

0.28

0.28

0.28

0.28

0.33

0.33

0.33

0.33

DHA 22: 6 n-3

0.28

0.28

0.28

0.28

0.28

0.28

0.28

0.28

Linoleic 18:2 n-6

0.74

0.56

0.56

0.56

0.46

0.47

0.47

0.47

Arachidonic 20:4 n-6

0.01

0.00

0.00

0.00

0.01

0.00

0.00

0.00

 

Khảo sát về thành phần dinh dưỡng của thức ăn thương mại dùng trong nuôi tôm ở Ấn Độ năm 2014 và năm 2016 cho kết quả mức độ chất béo trung bình ở cả hai cuộc khảo sát là khoảng 6,2%. Nghiên cứu này kết luận hiện nay thức ăn cho tôm ở Ấn Độ có hàm lượng lipid cao hơn nhu cầu khuyến cáo khoảng 25%. Axit béo n-3 HUFA và mức cholesterol đã giảm lần lượt là 16% và 24%, trong khi trung bình bổ sung phospholipid tăng 38% trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2016. Phosphorelipids có nhiều trong đậu tương, lecithine đậu tương, bột trứng nguyên chất…Việc giảm các chất dinh dưỡng thiết yếu như cholesterol, n-3 HUFA đã làm ảnh hưởng đáng kể đến sự tăng trưởng, chuyển đổi thức ăn và hiệu quả protein trong thẻ tôm trắng. Để khắc phục các nhược điểm trên, ngành thức ăn thủy sản thúc đẩy việc áp dụng các chất phụ gia tăng cường tiêu hóa giúp nâng cao hiệu quả hấp thu cholesterol và n-3 HUFA như muối mật và phospholipid (Halteren and Coutteau, 2017).

Nguồn lipid lý tưởng nhất để sản xuất thức ăn thủy sản là dầu cá biển. Tuy nhiên, do sự khan hiếm của dầu cá khiến chúng có giá thành cao, ngành sản xuất thức ăn thủy sản hiện nay đã sử dụng nhiều nguồn chất béo khác nhau để thay thế dầu cá. Việc giảm các nguyên liệu ban đầu có nguồn gốc động vật biển (bột cá, dầu cá) làm cho thức ăn tôm bị thiếu hụt axit béo nhóm omega 3 và cholesterol, do đó thức ăn công nghiệp hiện nay thường phải bổ sung thêm các nguồn chất dinh dưỡng này từ bên ngoài.

Ngoài các loại dầu thực vật được sử dụng phổ biến để thay thế dầu cá, hiện nay tảo, dầu tảo, dầu nấm men, bột nấm men đang được triển khai sản xuất để cung cấp cho thị trường thức ăn tôm nguồn chất béo cao cấp.

Nhìn chung, nhu cầu chất béo của tôm còn ít thông tin, chúng phụ thuộc nhiều vào mức năng lượng của thức ăn, chất lượng các chất béo sử dụng, hàm lượng và chất lượng protein, carbonhydrat trong thức ăn…Các nghiên cứu về nhu cầu chất béo trong tôm và các nguồn chất béo thay thế dầu cá biển vẫn đang liên tục được thực hiện.