XÁC ĐỊNH TỶ LỆ CHO ĂN HỢP LÝ TRÊN CÁ RÔ ĐỒNG (ANABAS TESTUDINEUS) TẠI KHOA THỦY SẢN, HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM.

          Hiện nay, cá rô đồng được nuôi rất phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới. Cá rô đồng là một trong những loài cá nước ngọt bản địa rất có giá trị kinh tế. Ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, đây là một trong những đối tượng quan trọng và được nuôi phổ biến (Trương Thủ Khoa và Trần ThịThu Hương, 1993; Dương Nhựt Long, 2006).Ở miền bắc, trong những năm gần đây cá rô đồng được nuôi nhiều ở các tỉnh như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh... Cá rô đồng được nuôi bằng các mô hình quảng canh, bán thâm canh và thâm canh, trong đó sản lượng được cung cấp chủ yếu từ mô hình thâm canh. Trong mô hình nuôi thâm canh cá rô đồng thì chi phí thức ăn chiếm khoảng 80% chi phí sản xuất. Hiện nay giá thức ăn cho cá rô đồng đang ở mức cao làm cho chi phí sản xuất cá rô đồng tăng cao. Điều này gây khó khăn cho người nuôi và việc đạt được lợi nhuật cao trong mô hình nuôi cá rô đồng là điều không dễ dàng. Vì vậy việc giảm chi phí thức ăn là điều cốt yếu để gia tăng hiệu quả kinh tế, giúp nghề nuôi cá rô đồng tại Việt Nam mang tính bền vững hơn trong tương lai. Xuất phát từ thực tế đã nêu trên chúng tôi thực hiện đề tài nghiên cứu: Xác định tỷ lệ cho ăn hợp lý trên cá rô đồng (Anabas testudineus) tại Khoa Thủy Sản, Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam”.

Nghiên cứu này được thực hiện tại trung tâm nghiên cứu nuôi trồng thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ cho ăn thích hợp trên cá rô đồng. Cá ở các nghiệm thức được cho ăn 2 lần/ngày bằng cám viên công nghiệp Cargill với các tỷ lệ 100%, 90%, 80%, 70%. Loại thức ăn có hàm lượng đạm (25-35% protein), được sử dụng phổ biến cho các giai đoạn nuôi làm thức ăn nghiên cứu đề tài.

Hình 1: Bể nuôi ngoài trời.

 Kết quả thí nghiệm cho thấy tỷ lệ sống của cá rô đồng của các nghiệm thức dao động trong khoảng 91,75%-94,5%. Thí nghiệm được bố trí với 4 nghiệm thức sau 90 ngày nuôi thì ta có thể thấy rằng :FCR nhỏ nhất ở NT4 (cho ăn 70% lượng thức ăn tối đa) là 1,66±0,08b  NT3 (cho ăn 80% lượng thức ăn tối đa) bằng 1,75± 0,05b tiếp đến là NT2 (cho ăn 90% lượng thức ăn tối đa) là 1,94±0,03a và cao nhất NT1(cho ăn no hoàn toàn 100%) là 2,0±0,01a. Nghiên cứu trên cũng cho chúng ta thấy phương pháp cho ăn giảm dần tỷ lệ không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá mà ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và FCR.

Việc cho cá rô đồng ăn lượng thức ăn bằng 80% lượng thức ăn tối đa đã đạt được tốc độ tăng trưởng gần tương đương nghiệm thức cho ăn tối đa và giảm được FCR một cách đánh kể (1,75 so với 2,0) giúp chúng ta quản lý tốt lượng thức ăn,sử dụng lượng thức ăn hợp lý, đánh giá được chỉ số tăng trưởng và các yếu tố môi trường nuôi. Từ đó rút ra được lượng thức ăn hợp lý, giảm chi phí thức ăn xuống mà vẫn đảm bảo cá phát triển đạt mức tối ưu,đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn cho người nuôi.

NHÓM NCM DINH DƯỠNG VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN